Thay đổi tiếp cận chống lẩn tránh thuế: Mối nguy lớn

Tần suất hàng hoá XK của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) hiện khá cao. Đáng chú ý, các nước, điển hình như Mỹ, đang có thay đổi rất lớn về cách tiếp cận, xem xét quá trình chuyển đổi căn bản của hàng hoá XK vào Mỹ để điều tra chống lẩn tránh thuế. Đây được nhìn nhận là điểm rất nguy hiểm với Việt Nam.

Thép là ngành hàng điển hình thường xuyên phải đối diện với các vụ kiện PVTM. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Thay đổi cực lớn

Theo Cục PVTM (Bộ Công Thương), 7 tháng đầu năm nay, tần suất các vụ kiện PVTM với hàng hóa XK của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng). Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc PVTM (5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc trợ cấp) khởi xướng điều tra với hàng XK của Việt Nam. Trong 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 4 vụ việc, Mỹ 2 vụ việc, Malaysia 1 vụ việc.

Trong câu chuyện kiện PVTM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đặc biệt bày tỏ sự quan tâm tới các vụ kiện chống lẩn tránh thuế. Lấy ví dụ với trường hợp mặt hàng thép, ông Trần Quốc Khánh nêu rõ: “Trong 70 năm qua, sản xuất tôn từ thép cán nóng của Việt Nam được Mỹ xem là quá trình đã có sự chuyển đổi căn bản. Tuy nhiên, hiện nay nếu Việt Nam sử dụng thép cán nóng Trung Quốc sản xuất ra tôn để XK sang Mỹ lại được Mỹ xem xét, có thể coi là lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Trung Quốc. Đây là sự thay đổi cách tiếp cận cực kỳ lớn của Mỹ”.

Ông Khánh nhận định: “Sự thay đổi này rất nguy hiểm với Việt Nam. Bởi lẽ, các nước NK như Mỹ có thể áp dụng tối đa biện pháp chống lẩn tránh thuế. Nếu một ngày họ áp dụng ngẫu hứng cách tiếp cận này cho cả hàng dệt may, da giày, hạt điều… thì câu chuyện càng nguy hiểm hơn”. Theo ông Khánh, thời gian tới, Cục PVTM cần nghiên cứu ngay sự đổi thay lớn trong cách tiếp cận vấn đề điều tra chống lẩn tránh thuế của các nước; xem xét việc thay đổi cách tiếp cận này có phù hợp với những quy định của WTO hay không; đồng thời xác định mặt hàng nào có nguy cơ cao bị áp dụng cách tiếp cận mới này để cảnh báo, nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung tăng cao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh: Sắp tới, có thể nhiều thị trường đối tác sẽ mang tâm lý bảo hộ cao hơn. Các hàng rào kỹ thuật, thậm chí cả hàng rào về mặt hành chính cũng được siết chặt hơn.

Bám sát diễn biến, dự báo kịp thời

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cần làm trước mắt là bám sát các diễn biến, có đánh giá, dự báo kịp thời để chủ động ứng phó. Chủ động thể hiện ở chỗ tăng cường hợp tác quốc tế, dựa trên khung khổ pháp lý để hợp tác hơn nữa với các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, EU… nhằm tiếp tục thể chế hoá các cơ chế hợp tác, đảm bảo cân bằng lợi ích.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nêu quan điểm: Trước diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đề nghị Cục PVTM sớm thành lập tổ công tác triển khai Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ” mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây. Đồng thời, Cục PVTM cũng cần sớm cập nhật danh sách DN XK, NK vào các thị trường Mỹ và Trung Quốc; tập trung xem xét DN có nguy cơ tận dụng chiến tranh thương mại để XK, NK sang thị trường Mỹ, có khả năng gian lận xuất xứ hàng hoá. “Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường tốt hơn, đặc biệt là hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá”, vị đại diện này cho hay.

Xung quanh câu chuyện ứng phó với các biện pháp PVTM tại các thị trường, đặc biệt là chống lẩn tránh PVTM, theo đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian tới, cần xây dựng hệ thông dữ liệu DN, nhất là DN có hoạt động XNK với thị trường Mỹ, Trung Quốc. Nắm rõ vấn đề này sẽ chủ động hơn trong cảnh báo DN ở góc độ không nên tập trung quá nhiều vào một số thị trường, cần đa đạng hóa thị trường XK.

Ở góc độ khác, thời gian qua, Việt Nam nói nhiều đến gian lận xuất xứ hàng hóa xuất đi thị trường khác, ví dụ hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ Việt Nam XK đi nước khác nhưng chưa tập trung chú ý đến vấn đề hàng hóa các nước gian lận xuất xứ, mượn đường Việt Nam để XK đi Trung Quốc. Ví dụ, tôm Ecuado mượn xuất xứ Việt Nam xuất sang Trung Quốc hay trước đây có trường hợp ớt Ấn Độ trà trộn vào ớt Việt Nam để xuất sang Trung Quốc. Nông sản nước ngoài cũng lợi dụng trao đổi cư dân biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc để XK. Phía Hải quan Trung Quốc đã phản ánh những câu chuyện này. Đây là vấn đề cần quan tâm, khuyến cáo địa phương cũng như các cơ quan liên quan.

Ông Lê Triệu Dũng- Cục trưởng Cục PVTM nhấn mạnh: Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản,…, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngay cả khi Việt Nam phát triển được chuỗi sản xuất tại Việt Nam (ví dụ như đối với thép, nhôm), nếu XK của Việt Nam sang tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước NK sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của Việt Nam như đã làm trước đó với một số nước khác. “Do đó, bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu, Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cánh báo sớm nếu như XK của ta sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến. Để thực hiện hiệu quả việc cảnh báo này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)…”, ông Dũng nói.

Nguồn tin: Haiquanonline